VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) Phạm Như Phương mới đây đã tuyên bố giải nghệ ở tuổi 20 sau khi bị gạch tên khỏi đội tuyển tập huấn quốc gia năm 2024. Sau khi giải nghệ, nữ VĐV bất ngờ tiết lộ với phóng viên Dân trí những uẩn ức bao năm qua mà không dám nói với ai vì lo sợ ảnh hưởng tới sự nghiệp.
Theo Như Phương, suốt nhiều năm thi đấu, VĐV này đều phải trích lại 10% tiền thưởng cho HLV mỗi khi giành được thành tích ở các giải đấu. Thời điểm cựu VĐV đội tuyển TDDC phải nộp nhiều nhất là sau khi giành 2 HCB và 2 HCĐ tại SEA Games 31. Điều này được cho là đã trở thành "luật bất thành văn".
Thông tin trên khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Bình luận dưới bài viết Cú sốc ở tuyển TDDC quốc gia: VĐV tố bị "thu phế" tiền thưởng huy chương, độc giả Dân trí bày tỏ sự bất bình và yêu cầu các cơ quan quản lý sớm vào cuộc, xác minh sự việc và xử lý nghiêm các sai phạm.
"Hết bóng bàn lại tới TDDC, như này mà suốt ngày đòi thi đấu phải có thành tích tốt sao?"
"Bà con nghĩ sao, tiền thưởng phải đóng thuế thu nhập đó là quy định, còn 10% cho HLV dựa vào quy định nào? Trò có thành tích tốt chắc chắn họ không bao giờ quên ơn thầy cô, đó là đạo lý, nhưng nhắc và đòi tiền như này là điều không thể chấp nhận. Giờ mới thấm thía tại sao đi thi đấu HLV lại đông thế. Không biết lãnh đạo ngành nghĩ sao về thông tin này?", độc giả Dương Văn Tuấn bày tỏ cảm xúc.
"Dưới vinh quang màu cờ sắc áo là bóc lột vận động viên có hệ thống, tinh vi và chuyên nghiệp", người dùng có nickname JinSheng1990 bình luận chua chát.
"Một mình HLV dám tự nghĩ ra mấy thứ này sao? Phải chăng cái luật bất thành văn này đã thành cả hệ thống rồi nên các HLV cũng phải theo thôi? Điều cần thiết trước mắt là phải minh bạch các khoản lương, thưởng, trợ cấp cho cả VĐV và HLV. Trước nay mù mờ quá nên dễ bị lợi dụng trục lợi", chủ tài khoản GozBlizt phân tích.
Tháng 10/2023, nhiều người không giấu nổi sự ngỡ ngàng trước hình ảnh bữa ăn đạm bạc trị giá 800.000 đồng của các thành viên Đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam cũng như thông tin tố cáo HLV có hành vi ăn chặn tiền ăn và ép VĐV phải chuyển tiền cho mình. Khi "cú sốc" trên chưa kịp lắng xuống, thông tin về sự việc của Phạm Như Phương xuất hiện tiếp tục như một "cú đấm" vào niềm tin của người dân với những người làm thể thao nước nhà.
HLV N.T.D nhắn số tài khoản cho mẹ của VĐV Phạm Như Phương để nhận 10% số tiền thưởng huy chương mà học trò mình được nhận ở SEA Games 31 (Ảnh: NVCC).
"Trước đó là vụ đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, giờ lại tới cú sốc tại đội tuyển TDDC quốc gia", anh Duc Nguyen sử dụng từ "cú sốc" để nói về sự việc lần này.
"Hết đội bóng bàn chưa biết xử lý thế nào, giờ lại đến đội TDDC. Như này mà suốt ngày đòi phải thi đấu có thành tích ở châu lục và thế giới sao?", chủ tài khoản Ca Kheo cay đắng đặt câu hỏi.
Chung quan điểm, chủ tài khoản Ôn Thi Toán viết: "Để các HLV này huấn luyện nên không có huy chương cấp châu lục là đúng rồi, làm VĐV động viên nản chí nên toàn thua".
"Từ bữa ăn của bóng bàn trẻ, nay lại xôn xao tới đội tuyển TDDC. Vậy là đã có những tiếng chuông cảnh tỉnh tới các cấp quản lý VĐV thành tích cao về những khoản thu "lạ" mà VĐV và gia đình phải nộp hàng tháng. Hãy rà soát, tự kiểm tra ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn sẽ làm thui chột tiềm năng của VĐV. Đừng bị động, để rơi vào cảnh mất bò mới lo làm chuồng", độc giả Quang Le kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Trong khi đó, người dùng Võ Thanh cho rằng không nên dừng lại ở việc xử lý kỷ luật đối với những trường hợp như trên mà nên áp dụng các chế tài của pháp luật, xem xét xử lý nghiêm nhằm răn đe, giải quyết triệt để thực trạng này. Độc giả này viết: "Hết cú sốc với đội tuyển này lại tới đội tuyển khác. VĐV cống hiến mồ hôi và đôi khi cả máu cho quốc gia thì xứng đáng nhận thưởng.
HLV ăn lương và thưởng thì phải làm theo trách nhiệm nhưng lại lợi dụng chức vụ và quyền hạn để cưỡng đoạt tài sản (tiền thưởng) là sai cả về luật lẫn đạo đức nghề giáo. Cần nghiên cứu, xem xét trách nhiệm hình sự một số trường hợp nhằm răn đe thì chuyện này mới chấm dứt, VĐV mới có thể chuyên tâm cống hiến cho tổ quốc thay vì lo chuyện phải "biết ơn" ra sao với HLV".
"Tôi cũng như rất nhiều người dân tin chuyện vận động viên phải cắt "phế" các khoản tiền thưởng cho người huấn luyện và quản lý. Thậm chí không chỉ thưởng mà cả tiền lương, phụ cấp cũng ngày ngày bị những người gọi là "thầy", "cô", "lãnh đạo" ăn chặn không thương tiếc. Khi nào các cơ quan quản lý chưa dám nhìn thẳng vào sự thật thì thể thao Việt Nam đừng nghĩ tới chuyện vươn ra biển lớn hay đạt những mục tiêu như khẩu hiệu mà lãnh đạo ngành hùng hồn phát biểu.
Không chỉ TDDC, tôi tin nhiều bộ môn thể thao thành tích cao, khi VĐV thi đấu và có huy chương tại quốc tế cũng bị ăn chặn tiền thưởng. Họ phải cắn răng ngậm miệng nếu không muốn kết thúc sự nghiệp đỉnh cao, không muốn bị loại từ vòng "gửi xe" khi xét duyệt tham gia các giải đấu", anh Phan Trọng thẳng thắn nhìn nhận.
"Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Thế này thì thể thao làm sao mà phát triển được. Để có được những tấm huy chương, VĐV đã hi sinh rất nhiều, mồ hôi, nước mắt, sức khỏe, thậm chí cả xương máu và tính mạng nếu không may. Vậy mà.....", người dùng có nickname Người ẩn danh bày tỏ cảm xúc.
"Giờ mới hiểu vì sao "cây ATM" huy chương mới 20 tuổi đã phải giải nghệ. Đề nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra", "Những kẻ ăn chặn tiền vô liêm xỉ", … hàng loạt ý kiến khác của độc giả với những ngôn từ nặng nề, bày tỏ sự phẫn nộ và thất vọng trước thông tin trên.
Sau những tiết lộ của VĐV Phạm Như Phương, Lâm Như Quỳnh - cựu thành viên của đội tuyển TDDC quốc gia và cũng là người đã phải làm đơn xin giải nghệ vào năm 2023 đã cho biết, cô cũng từng phải nộp lại 10% tiền thưởng huy chương hoặc chia lại tiền thưởng nóng cho HLV của mình (Ảnh: Minh Quang).
Cần rõ ràng, minh bạch cơ chế thưởng dành cho VĐV và HLV?
Theo quy định tại Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ, HLV trực tiếp đào tạo VĐV lập thành tích cá nhân tại các giải quốc tế thì được mức thưởng chung tương đương với VĐV còn với HLV trực tiếp đào tạo đội tuyển, mức thưởng sẽ tùy thuộc vào số lượng VĐV đạt thành tích tại giải đấu quốc tế đó.
Như vậy, có thể thấy khi các VĐV đạt thành tích, các HLV cũng sẽ được mức thưởng tương đương hoặc thậm chí cao hơn mỗi VĐV. Tuy nhiên, nhiều người nêu quan ngại về việc thực tế áp dụng quy định trên ra sao, và còn uẩn khúc gì đằng sau câu chuyện này hay không.
"Cũng do cơ chế xin cho từ trên rót xuống. Nếu các ban bệ tới HLV lương mà không được tốt, họ sẵn sàng cắt xén ngay. Cứ phân minh về lương và thưởng giữa HLV và VĐV thì mới bớt được vấn đề ăn chặn này", chủ tài khoản Pipi TV phân tích.
Có chung băn khoăn, anh Nguyễn Văn Tạo viết: "Đoạn trích Nghị định 152/2018/NĐ-CP không nói rõ tiền thưởng HLV lấy ở nguồn nào, người đọc có thể không hiểu rõ quy định này. Cần làm rõ nguồn tiền thưởng từ đâu, có tách bạch giữa HLV và VĐV không hay trả thưởng chung cho cả tập thể?".
"Thầy cô nên có chế độ riêng. Họ đào tạo cũng vất vả, song cơ chế có thể không đảm bảo dẫn tới các bên bớt xén của nhau rồi tố cáo gây mất hình ảnh. Cứ có quy chế rõ ràng về các khoản thưởng là sẽ không thắc mắc gì cả", ý kiến từ độc giả tuanhai chu.
"Thành quả là sự cố gắng của cả tập thể chứ không chỉ cá nhân. Nên có sự chia sẻ theo công sức và sự đóng góp, nhưng cần có quy định rõ ràng, minh bạch để mọi thành viên liên quan nắm vững", người dùng Trai Nguyen đưa ra góc nhìn trung lập và gợi ý giải pháp đối với các ban ngành, cơ quan quản lý.